Hà Nội yêu cầu 20 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị, đồng thời ban hành 2 Nghị quyết cưỡng chế kinh phí bảo trì 2% đối với hai chủ đầu tư.
Số lượng nhà chung cư mọc lên trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh chóng, đã giải quyết được rất nhiều nhu cầu nhà ở cho người dân nhưng kéo theo đó là nhiều hệ lụy, nhất là việc vi phạm xây dựng, quản lý yếu kém dẫn tới tranh chấp gay gắt lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân nhiều tòa nhà. Đặc biệt, việc tranh chấp quản lý phí bảo trì đang diễn ra nhiều nơi mà chủ đầu tư vẫn chây ì.
Thành phố Hà Nội đã thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong quản lý sử dụng chung cư thương mại và đã tổ chức kiểm tra tại 14/18 quận huyện có nhà chung cư.
Qua đó, Hà Nội yêu cầu 20 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị, đồng thời ban hành 2 Nghị quyết cưỡng chế kinh phí bảo trì 2% đối với hai chủ đầu tư.
Thành phố cũng công khai danh sách 13 chủ đầu tư phải bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức kiểm tra, giải quyết 77/89 nhà chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng.
Song song với việc tăng cường quản lý, thành phố Hà Nội cũng đang nỗ lực quy hoạch, phát triển nhà chung cư trong những năm tiếp theo.
Thành phố đã hoàn thiện xây dựng cơ chế đặc thù và đề án cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ, báo cáo Bộ Xây dựng theo quy định.
Hà Nội cũng thực hiện kiểm định 33 công trình nhà chung cư cũ; rà soát lập danh mục kiểm định các nhà chung cư cũ giai đoạn 2020 – 2022 với dự kiến 177 công trình; tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng thể quỹ nhà tái định cư của thành phố, báo cáo về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020. Thành phố rà soát 38 dự án phát triển nhà ở theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Thành phố cũng hoàn thiện dự thảo quy định quản lý và Quy chế đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ; xây dựng và ban hành nghị quyết về quản lý nhà chung cư trên địa bàn; tiếp tục quản lý hiệu quả quỹ nhà chuyên dùng, nhà chung cư tái định cư.
Những năm gần đây, Hà Nội đang siết chặt quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, cưỡng chế hàng loạt công trình vi phạm xây dựng, cũng như thanh tra, kiểm tra các công trình đang xây dựng để ngăn ngừa vi phạm.
UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 04/2019 về Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội.
Các đội quản lý trật tự xây dựng quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 11.990 công trình với tỷ lệ công trình có phép, miễn phép đạt 98,2%, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 401 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 3,3% (giảm 2,44% so với năm 2018).
UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 325/401 trường hợp vi phạm (tỷ lệ 81%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 76 trường hợp.
bnews.vn