icon icon

Kỹ năng an toàn khi đi thang máy gặp sự cố

Khi thang máy rơi tự do, không nên nhảy hay khuỵu gối mà hãy nằm sát xuống sàn, càng gần giữa cabin càng tốt. Tư thế này giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm thương tổn.

Sự cố thang máy tòa nhà Lotte (Hà Nội) với 7 khách bên trong trôi tự do từ tầng 63 xuống tầng 35 tối 25/9 khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn khi sử dụng thang máy di chuyển trong những tòa nhà cao tầng hiện nay.

Theo ông Vũ Tùng, một chuyên gia an toàn làm việc tại TP HCM, thực tế một số sự cố thang máy xảy ra thời gian qua chủ yếu là do trong quá trình sử dụng động cơ không được bảo dưỡng đúng quy chuẩn.

Những vụ tại nạn như thế không nhiều bởi hầu hết hệ thống thang máy hiện đại được lắp đặt với cơ chế an toàn cao. Trước khi đưa vào sử dụng, thang máy đã được các cơ quan chức năng kiểm định nghiêm ngặt, lại thường xuyên bảo dưỡng nên xác suất bị hỏng hóc, rơi hoặc trục trặc là thấp. Đặc biệt, những thiết bị đạt chuẩn quốc tế đều có thắng cơ và thắng điện sẽ kẹp chặt cabin khi có sự cố.

thang máy

Nằm xuống sàn thang máy, tay kê đầu. Tư thế này giúp giảm thiểu thương tổn khi thang máy trôi tự do. Ảnh: wikiHow.

Xét về góc độ an toàn khi thang máy gặp sự cố, chuyên gia này cho rằng trong bất kỳ tình huống nào, nếu người bên trong giữ được bình tĩnh để sáng suốt phản ứng tùy trường hợp, sẽ giúp giảm thiểu thương vong. Ông Tùng đưa ra một số lưu ý như sau:

– Thông thường đang ở trong thang máy mà bị ngừng đột ngột, mọi người sẽ hoảng loạn, khóc lóc và tìm mọi cách “tháo tung” cabin để thoát ra ngoài. Phản ứng này trên thực tế không có ích gì mà chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, không tìm mọi cách phá thang máy để trèo lên trên hay dùng tay để mở vì dường như không thể.

– Bấm nút mở cửa cabin là bước tiếp theo bạn nên làm. Nếu không được thì đừng quá sợ hãi. Nhiều người bị ám ảnh bởi những bộ phim hành động nên lo ngại khi thang máy gặp sự cố sẽ bị ngộp vì không đủ oxy. Thực tế hiếm khi xảy ra tình trạng này.

– Bấm chuông báo động khẩn cấp hoặc nút trợ giúp (thường là nút nổi bật nhất trong cabin) là điều cần làm. Trên thực tế mọi người thường quên động tác này.

– Nếu nút báo động không phát huy tác dụng, hãy gọi to hoặc gõ vào thành thang máy để báo cho người ở ngoài biết.

– Trường hợp thang máy rơi “không phanh”, một số người nghĩ rằng tư thế khuỵu gối hay nhảy liên tục trên sàn thang máy sẽ an toàn hơn. Điều này hoàn toàn sai lầm. Về lý thuyết, để an toàn, bạn phải nhảy lên cùng lúc và cùng tốc độ với thang máy trôi (khoảng 160 km một giờ), đó là điều không tưởng. Vì vậy nhảy lên chỉ làm gia tăng mức độ nguy hiểm mà thôi.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cho rằng, trong trường hợp thang máy rơi như ở tòa nhà Lotte, tư thế giúp hạn chế thương tổn là nằm ngửa, sát xuống sàn, càng gần vị trí trung tâm cabin thang máy càng tốt. Đồng thời dùng tay kê đầu, một tay che mặt để phòng gạch đá rơi xuống.

“Tai nạn rơi thang máy có thể khiến nạn nhân gãy xương, vỡ tạng, chấn thương sọ não, tử vong… Do đó tư thế hợp lý nhất trong trường hợp này là nằm sát xuống sàn thang máy sẽ giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm bớt nguy cơ tổn thương”, bác sĩ Phong nói.

Theo Thi Trân vnexpress

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan
0911.033.777
icons8-exercise-96