Để thường xuyên nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Viện Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Viện đã chỉ đạo Ban Quản lý tòa nhà phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thực hiện tập huấn PCCC năm 2017. Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức PCCC luôn cần thiết, đặc biệt đối với ngành có nguy cơ cháy nổ cao như dầu khí.
Trách nhiệm chung
Khác với các đợt diễn tập PCCC trước đây, giảng viên và các học viên tham gia tập huấn đã tập trung chủ yếu vào các kỹ năng xử lý sự cố cháy nổ, thực hành sử dụng các thiết bị chữa cháy như bình xịt bột, bình CO2 để dập tắt đám cháy. Mặt khác giảng viên còn giới thiệu và yêu cầu áp dụng nhiều điểm mới cả về việc luật PCCC và những kiến thức chung về cháy nổ.
Hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy
Trước hết, giảng viên thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 2 giới thiệu cho các học viên về những vụ cháy nổ điển hình xảy ra ở Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh hậu quả thảm khốc của hỏa hoạn, những hình ảnh, clip trực quan về nguyên nhân xảy ra cháy nổ, đặc biệt là nạn nhân đã khiến các học viên có ấn tượng sâu. Giảng viên đã tập hợp hình ảnh và những phân tích khoa học về nguyên nhân các vụ cháy gần đây như vụ chung cư HH4A Linh Đàm, Hà Nội khiến nhiều người mắc kẹt, hay chung cư CT5B, Khu đô thị Xa La – Hà Đông…
Riêng vụ cháy tại chung cư HH4A Linh Đàm, lực lượng chức năng đã giải cứu 25 người, hướng dẫn thoát nạn 43 người. Trong số này có 1 nạn nhân bị tai biến ở tầng 22 và 2 trẻ em ở tầng 9. Còn vụ cháy chung cư CT5, Khu đô thị Xa La thì nguyên nhân bắt đầu từ trạm biến áp ở tầng hầm tòa nhà CT4A, sau đó đám cháy lan rộng sang 2 tòa nhà cạnh đó là CT4B và CT4C khiến hàng nghìn người dân hoảng loạn. Một điều đáng nói ở đây là khi sự cố xảy ra, người dân lúc ấy rất hỗn loạn, mạnh ai người nấy chạy, mạnh ai người nấy chen, thậm chí giẫm đạp lên nhau để thoát thân khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Qua những vụ cháy nổ ở một vài tòa nhà chung cư vừa qua, có thể thấy, công tác PCCC tại các chung cư cao tầng hiện còn rất nhiều bất cập. Thứ nhất, lực lượng PCCC tại chỗ khi được thành lập thì theo quy định luật PCCC phải được bồi dưỡng, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC theo định kỳ, các doanh nghiệp phải có đội PCCC, cơ sở, có phương án PCCC, nội quy quy định về PCCC… Thế nhưng, một số khu chung cư, tòa nhà văn phòng vẫn chưa thực hiện nghiêm túc khiến các đội viên phòng cháy nghiệp vụ yếu, thiếu kỹ năng xử lý đám cháy. Thứ hai, người dân tại tòa nhà, cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong các văn phòng cũng không được bồi dưỡng, tuyên truyền những kiến thức trực tiếp, cụ thể về các kỹ năng xử lý khi có sự cố nên có thể gây ra những tai nạn thương tâm do giẫm đạp lên nhau để giành đường thoát nạn hay trốn vào chính những vùng nguy hiểm như leo lên mái nhà, chui vào thang máy…
Từ đó, lớp học đã xác định được nhận thức là phải chú tâm, không được hoảng loạn khi xảy ra cháy nổ, bởi chính điều đó sẽ càng có nhiều nạn nhân hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn về tài sản cũng như con người. Tiếp đến là phải nâng cao ý thức đề phòng cháy nổ, càng là tòa nhà phức hợp gồm nhiều công ty, văn phòng thì càng phải có ý thức đề phòng cao độ. Nguyên nhân cháy nổ có thể đến từ những vật dụng thông thường được sử dụng rất nhiều tại các văn phòng như những cục pin sạc dự phòng, chiếc ấm siêu tốc đun nước, điện thoại di động…
Không được thờ ơ
Việc định kỳ tổ chức tập huấn, thực hiện diễn tập PCCC đã trở thành “chuyện thường ngày”. Ấy vậy nhưng một bộ phận CBCNV đang làm việc tại các tòa nhà công sở vẫn còn thờ ơ trước hiểm họa này, tệ hơn nữa có những người được phân công nhiệm vụ trong đội PCCC cơ sở nhưng lại không hề có một tí ý thức trách nhiệm khi được cử đi tập huấn, thậm chí khi được giảng viên mời tham gia thực hành cháy còn bất hợp tác với thái độ “thách thức”.
Cán bộ nhân viên Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam hăng hái tham gia thực hiện kỹ năng dập tắt gốc lửa
Đây là chuyện có thật xảy ra tại đợt tập huấn PCCC của Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam vừa qua. Sau phần học về lý thuyết tại hội trường, giảng viên và các học viên ngay lập tức hào hứng tham gia phần thực hành các kỹ năng chữa cháy. Với tình huống giả định xảy ra cháy tại hội trường (thuộc tầng 4 của tòa nhà) nên giảng viên yêu cầu các đội viên chữa cháy thuộc các đơn vị có văn phòng tại tầng 4 lên tham gia vào tình huống này. Trong khi các nhân viên của ban quản lý tòa nhà từ các chị tạp vụ, dọn vệ sinh, chăm sóc cây cảnh, các anh bảo vệ, CBCNV làm việc tại tòa nhà đều xung phong tham gia thì có một đội viên khi đội trưởng gọi lên đã lập tức từ chối.
Cần nói thêm rằng, việc tổ chức các buổi diễn tập, tập huấn PCCC cho CBCNV trong tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam đã phải bỏ ra một số kinh phí đáng kể. Trong khi ngành Dầu khí hiện nay còn rất nhiều khó khăn, việc duy trì thường xuyên, chọn lựa những nhân viên đang tham gia quản trị trực tiếp tại tòa nhà như lực lượng bảo vệ, lao công tạp vụ và các đội viên đội PCCC cơ sở để tham gia tập huấn PCCC là một nỗ lực rất đáng trân trọng. Nhưng ngay tại buổi tập huấn lại xảy ra việc trớ trêu như vậy cũng thật đáng suy nghĩ.
Chính vì vậy, giảng viên đã nghiêm khắc đề nghị Ban Quản lý Tòa nhà Viện Dầu khí phải yêu cầu các đơn vị có văn phòng phải lập kế hoạch phòng cháy. Tiến hành kiểm tra thường xuyên, đôn đốc nhân viên tự tổ chức tập huấn, đồng thời ký biên bản cam kết thực hiện PCCC. Đặc biệt, phải rà soát lại toàn bộ các đội viên đội PCCC cơ sở, nếu không thực hiện đúng các cam kết, nội quy PCCC, thiếu kế hoạch xử lý cháy nổ, phương án phối hợp chữa cháy… sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của luật PCCC. Hơn thế nữa, lãnh đạo phụ trách đơn vị cũng sẽ bị nhắc nhở bởi thiếu trách nhiệm đối với công tác PCCC.
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, Điều 44 quy định về vi phạm quy định về thành lập, tổ chức, quản lý lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tham gia hoạt động PCCC khi được người có thẩm quyền yêu cầu.
Theo petrotimes.vn