icon icon

Phòng chống cháy, nổ sau Tết Nguyên đán

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm dễ xảy ra cháy ở những ngôi nhà có đông người sinh sống, nhất là những loại nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất ở cửa chính.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân chính là do tình trạng nhiều người thắp hương, đốt vàng mã; tập kết nhiều nguyên vật liệu, hàng hóa dễ cháy tại cửa hàng kinh doanh kết hợp nhà ở. Việc tiêu thụ điện, nhiên liệu tăng cao tại các gia đình, khu dân cư,… cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (PCCC và CNCH)-Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo có đám cháy lớn tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc. Ngay lập tức, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an tỉnh đã điều động hai xe chữa cháy và nhiều cán bộ đến hiện trường. Sự việc xảy ra tại gia đình anh Lê Ngọc T. (trú tại Thôn 4, xã Vĩnh Hưng). Khi phát hiện đám cháy, anh T. đã dùng bình chữa cháy để dập lửa ở tầng 1 nhưng không thành công.

Thời điểm này, các thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC cùng người dân đã tích cực chữa cháy và cứu người bị nạn. Tuy nhiên, ngọn lửa bùng phát mạnh, tỏa ra nhiều khói, khí độc khiến ba người thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định do chập điện.

Gần đây, tại Thôn 2, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cũng xảy ra vụ cháy nhà nghiêm trọng. Các cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hải Phòng đã điều động 3 xe chữa cháy của Công an huyện Vĩnh Bảo, Công an huyện Tiên Lãng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Tại hiện trường, lửa khói đã bao trùm toàn bộ ngôi nhà cấp 4 khoảng 60m2 mặt đường. Với nỗ lực của lực lượng PCCC và CNCH, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, do đám cháy lan nhanh đã làm 3 người tử vong.

Nguyên nhân chính của những vụ cháy nhà gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây là do người dân bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…), chất dễ cháy (xăng dầu, ga, cồn, hóa chất…), sử dụng điện (hệ thống điện, thiết bị điện) không an toàn…

Bên cạnh đó, rất nhiều gia đình ở các đô thị lớn tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Một số chủ đầu tư không chấp hành quy định về PCCC, nhiều công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra, ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân đối với công tác PCCC chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng của an toàn PCCC.

Để bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ, mỗi người dân cần chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn PCCC trong gia đình.

Thượng tá Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Yên Bái

Một số địa phương còn buông lỏng quản lý trật tự xây dựng dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép tràn lan. Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi chung cư mini), nhà trọ với mật độ người ở cao… Ngoài ra, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC theo chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế- xã hội…

Theo Thượng tá Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Yên Bái, để bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ, mỗi người dân cần chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn PCCC trong gia đình.

Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, ga trong gia đình. Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt. Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…

Mỗi gia đình nên đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy, báo rò rỉ ga, bình chữa cháy xách tay,… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Chủ động phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3…); chuẩn bị mặt nạ phòng độc, chăn, mền, khăn vải nhúng nước để che chắn mặt, cơ thể khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm…

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan
0911.033.777
icons8-exercise-96