Thang máy được xem như phương tiện vận chuyển thiết yếu và liên quan đến sự an toàn của cư dân trong các tòa nhà chung cư nhưng không phải chung cư nào cũng lắp đặt và vận hành thang máy theo đúng quy chuẩn.
Quy định rõ ràng
Để đáp ứng nhu cầu nhà cho dân cư tại đô thị lớn, việc xây dựng các kiến trúc cao tầng là tất yếu. Kèm theo đó không thể thiếu phương tiện di chuyển theo chiều đứng, đó là thang máy. Đây là phương tiện giao thông quan trọng trong tòa nhà và liên quan tới sự an toàn của cư dân, vì vậy, đã có các quy chuẩn, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thang máy.
Cụ thể, tại Mục 2.4 yêu cầu về thang máy trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, QCVN 04:2018/BXD nêu rõ: Nhà chung cư từ 6 tầng trở lên phải có tối thiểu 1 thang máy, trên 9 tầng phải có tối thiểu 2 thang máy và đảm bảo lưu lượng người sử dụng theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng. Trong nhà chung cư có thang máy, tối thiểu phải có 1 thang máy chuyên dụng có kích thước thông thủy của cabin đảm bảo vận chuyển băng ca cấp cứu.
Cần bố trí tối thiểu 1 thang máy cho 250 người sống (tương đương cho 65 căn hộ) trong tòa nhà không kể số người ở tầng 1 (tầng trệt). Sức nâng của một thang máy phải không nhỏ hơn 400 kg. Trong trường hợp nhà có một thang máy, sức nâng tối thiểu của thang máy không nhỏ 600 kg.
Đối với nhà chung cư có chiều cao lớn hơn 50 m, mỗi khoang cháy của nhà phải có tối thiểu một thang máy đáp ứng yêu cầu vận chuyển lực lượng và phương tiện chữa cháy theo TCVN 6396-72:2010 và TCVN 6396-73:2010.
Chiều rộng sảnh thang máy chở người phải bố trí phù hợp theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng. Thang máy phải có thiết bị bảo vệ chống kẹt cửa, bộ cứu hộ tự động và hệ thống điện thoại nội bộ từ cabin ra ngoài. Thang máy chỉ được vận hành khi tất cả các cửa đều đóng. Tốc độ của thang máy phải đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng.
Thang máy phải đảm bảo an toàn theo QCVN 02:2011/BLĐTBXH và được kiểm định an toàn trong trường hợp sau: Sau khi lắp đặt, trước khi đưa vào sử dụng; Sau khi tiến hành sửa chữa lớn; Sau khi xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng và đã khắc phục xong; Hết hạn kiểm định hoặc theo yêu cầu của cơ quan thanh tra nhà nước về lao động. Gian đặt máy và thiết bị thang máy phải có lối lên xuống, vào ra thuận tiện, an toàn và không được bố trí trực tiếp trên căn hộ.
Giếng thang phải đảm bảo yêu cầu cách âm theo QCXDVN 05:2008/BXD và chống ồn theo QCVN 26:2010/BTNMT. Không được bố trí bể nước trực tiếp trên giếng thang máy và không cho các đường ống cấp nước, cấp nhiệt, cấp gas đi qua giếng thang máy.
Mặt khác, theo Thông tư 32/2011/TT-BLĐTBXH ngày 14/11/2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thang máy được đưa vào danh mục các loại thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải kiểm định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
Thang máy chung cư được kiểm định lần đầu khi vừa hoàn thành lắp đặt để đánh giá chính xác về chất lượng thiết bị và chất lượng lắp đặt, đảm bảo đạt điều kiện tốt nhất, an toàn nhất để đưa vào sử dụng. Sau khi được cấp phép sử dụng, thang máy phải được kiểm định định kỳ với thời hạn 3 năm. Ngoài ra, nếu trong quá trình sử dụng phát sinh vấn đề về kỹ thuật thì cũng cần được kiểm định. Đơn vị kiểm định sẽ tiến hành đánh giá tình trạng, đưa ra phương án khắc phục trong thời gian ngắn nhất.
Nhưng thực tế còn bất cập
Theo các chuyên gia, tuổi thọ trung bình của thang máy là trên 20 năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại một số khu tái định cư, thang máy mới đưa vào hoạt động vài năm đã có hiện tượng rệu rạo và trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Thậm chí, có những tòa nhà mới đưa vào sử dụng, người dân còn chưa về ở hết, nhưng thang máy đã có vấn đề, đơn cử như tòa nhà Eco Lakeview (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Nguyễn Anh Tuấn, cư dân Eco Lakeview cho biết: “Mặc dù chúng tôi mới chuyển về đây ở được khoảng 8 tháng, nhưng thang máy tòa nhà đã gặp sự cố, bị rơi ba lần từ tầng 3 xuống tầng hầm. Thang hay bị kẹt, không đóng được cửa”.
Theo các chuyên gia, an toàn thang máy chung cư bị ảnh hưởng xuất phát từ 4 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất là chất lượng thang máy. Theo KTS Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), chất lượng chung cư cao cấp hiện nay nói chung là được, nhưng chất lượng của các khu nhà tái định cư hoặc các khu chung cư bình dân thì rất xấu. Nhiều chủ đầu tư vì muốn cắt giảm chi phí đầu tư đã lựa chọn thang máy không đạt tiêu chuẩn cho các chung cư. Với sản phẩm sử dụng thường xuyên và công cộng mà chất lượng kém thì đương nhiên rất nhanh xuống cấp. Đó là chưa kể đến một số công ty còn “ăn bớt” hệ thống an toàn nhằm giảm bớt thao tác vận hành, giảm chi phí để dễ bán, gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
Thứ hai, sai sót trong việc lắp đặt thang máy chung cư. Theo nhận định của chuyên gia, dù bản thân thiết bị thang máy có tốt, nhưng khi đơn vị lắp đặt không đủ trình độ, không đảm bảo quy cách thì chắc chắn chiếc thang máy cũng không thể đảm bảo an toàn được.
Việc lắp đặt thang máy phải đúng theo tiêu chuẩn TCVN 6396-28:2013 (Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – thang máy chở người và hàng), nếu nhà thầu lựa chọn những đơn vị nhân viên kỹ thuật không có chuyên môn và không kiểm soát chặt chẽ quy trình lắp đặt sẽ đem lại những sản phẩm kém chất lượng. Nhiều đơn vị khi lắp đặt thang máy không có các thiết bị kiểm tra, đo độ rung lắc của cabin, độ ồn của động cơ, lắp bị lệch tâm…, kỹ thuật viên lắp không đúng tiêu chuẩn đe dọa sự an toàn thang máy chung cư.
Thứ ba, tắc trách trong việc kiểm định an toàn thang máy chung cư. Thang máy chung cư được kiểm định lần đầu khi vừa hoàn thành lắp đặt để đánh giá chính xác về chất lượng thiết bị và chất lượng lắp đặt, đảm bảo đạt điều kiện tốt nhất, an toàn nhất để đưa vào sử dụng.
Theo Quy trình kiểm định QTKĐ 21/2014/BLĐTBXH và QTKĐ 25/2016/BLĐTBXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), sau khi được cấp phép sử dụng, thang máy phải được kiểm định định kỳ với thời hạn 3 năm. Đối với thang máy đã sử dụng trên 10 năm đến dưới 20 năm, thì thời hạn kiểm định là 2 năm. Đối với thang máy đã sử dụng trên 20 năm, thời gian kiểm định là 1 năm.
Ngoài ra, nếu trong quá trình sử dụng phát sinh vấn đề về kỹ thuật thì cũng cần được kiểm định. Đơn vị kiểm định sẽ tiến hành đánh giá tình trạng, đưa ra phương án khắc phục trong thời gian ngắn nhất.
Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay là nhiều đơn vị kiểm định thiếu chuyên nghiệp, không đủ nguồn nhân lực, vật lực vẫn được quyền hoạt động. Tính trung thực, khách quan trong công tác kiểm tra, kiểm định an toàn thang máy chung cư hiện nay cũng cần đặt nghi vấn. Rất nhiều thang máy chung cư không đạt chất lượng nhưng tại sao công tác kiểm định không phát hiện ra? Đó vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Thứ tư, bảo trì, bảo dưỡng thang máy chung cư không đúng quy trình. Đây là việc quan trọng không kém nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những lỗi kỹ thuật, phòng ngừa các sự cố thang máy chung cư.
Một thực trạng đáng lo ngại ở nhiều khu chung cư là các bên quản lý và công ty cung cấp thang máy rất hời hợt với việc bảo trì bảo dưỡng thang máy dù thiết bị có tần suất sử dụng liên tục, từ đó dẫn đến việc an toàn thang máy chung cư không được đảm bảo.
Chẳng hạn, người dân Tòa CT2, Khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) từng “hú vía” vì cửa thang máy đóng không mở. Hay vụ tai nạn thang máy xảy ra tại tòa nhà N5A đường Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân, Hà Nội), sự việc xảy ra tại lầu 5 của tòa nhà ở hẻm 138 đường Ngô Quyền phường 5, quận 10, TP. HCM khiến 1 người tử vong… là những sự việc đáng tiếc và dấu hỏi lớn đối với chất lượng cũng như công tác kiểm định, bảo dưỡng thang máy.
Theo TS.KTS Vương Hải Long (Trường Đại học Kiến trúc), tại nhiều chung cư, chủ đầu tư còn bớt số lượng thang máy, khiến thời gian đợi thang quá lâu, số lượng người sử dụng bị dồn ứ vào các giờ cao điểm, tần suất hoạt động của thang cao nên thang nhanh xuống cấp.
bds.tinnhanhchungkhoan.vn