icon icon

“Tắc” sổ hồng do hệ thống phòng cháy chữa cháy kém: Người dân chịu thiệt trăm bề

(CLO) Trong hàng loạt lý do dẫn đến việc các dự án chung cư vận hành nhiều năm, nhưng vẫn không được cấp sổ hồng, thì việc không nghiệm thu được PCCC là phổ biến nhất.

Hiện nay, trên cả nước đang có hàng trăm dự án chung cư thương mại, với hàng vạn căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng). Riêng tại Hà Nội, có tới 29.071 căn hộ tạm thời chưa được giải quyết việc cấp giấy chứng nhận, tương đương 40% tổng số căn hộ.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng chung cư hoạt động lâu ngày mà vẫn chưa cấp sổ hồng. Tuy nhiên, chưa nghiệm thu được phòng cháy chữa cháy (PCCC), là một trong những nguyên nhân dễ gặp nhất.

Cố ý thay đổi kết cấu, nhiều dự án không được cấp sổ hồng.

Cố ý thay đổi kết cấu, nhiều dự án không được cấp sổ hồng.

Đơn cử, như chung cư Capital Garden tại 102 Trường Chinh, dù đã vận hành 5 năm, nhưng tới nay vẫn chưa có sổ hồng, do chưa được nghiệm thu PCCC. Điều này đã khiến cuộc sống người dân ở đây bất ổn, khó khăn trong mọi sinh hoạt.

Theo quy định, nghiệm thu PCCC là một thủ tục hành chính  bắt buộc thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan cảnh sát PCCC. Theo đó, các tòa chung cư thương mại trước khi được vận hành, chủ đầu tư phải tiến hành nghiệm thu PCCC, để xem dự án có đảm bảo an toàn hay không.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, một số chủ đầu tư đã cố tình thay đổi kết cấu công trình, hoặc thay đổi vật liệu so với bản vẽ, dẫn đến tình trạng không thể nghiệm thu được PCCC.

Cũng tại dự án Capital Garden, theo thiết kế, dự án này sẽ có 21 tầng, bao gồm 1 tầng cây xanh và 2 tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, khi bàn giao căn hộ  cho khách hàng, tầng kỹ thuật 1, tầng cây xanh bỗng nhiên hóa thành các căn hộ thương mại để bán. Việc thay đổi công năng sử dụng ở một số tầng, đã khiến dự án này không thể nghiệm thu được PCCC.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết: Hiện có 2 trường hợp không nghiệm thu được PCCC.

Thứ nhất, là hệ thống PCCC không đảm bảo. Thứ hai là hệ thống PCCC đảm bảo, nhưng chủ đầu tư cố tình thay đổi kết cấu so với bản vẽ, dẫn đến việc không nghiệm thu được PCCC. Cả hai lỗi này đều thuộc về chủ đầu tư và người mua nhà chính là đối tượng chịu thiệt thòi.

Với trường hợp thứ nhất, ông Thanh kiến nghị, cơ quan chức năng nên xem xét các giải pháp linh hoạt để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà. Với chủ đầu tư, sai phạm ở đâu sẽ phạt tiền ở đó và yêu cầu khắc phục ngay lập tức. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ không được cấp sổ hồng cho phần còn lại, dư ra của dự án.

Với trường hợp thứ 2, với những dự án cố tình điều chỉnh, thay đổi kết cấu, nhưng hệ thống PCCC vẫn đảm bảo, cơ quan quản lý Nhà nước nên tách trách nhiệm của chủ đầu tư ra một bên, quyền lợi của người mua nhà sang một bên.

“Trong trường hợp này, dự án vẫn đảm bảo hệ thống PCCC, cơ quan chức năng nên “trả” sổ hồng cho người mua nhà. Không nên quy trách nhiệm cho “quả trứng” hay “con gà”, hay “đá bóng” trách nhiệm, bởi người mua nhà không có lỗi trong việc này”, ông Thanh khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội chia sẻ: Việc không nghiệm thu được PCCC, lỗi nằm ở cả chủ đầu tư, lẫn cơ quan quản lý, ở đây chính là sở và phòng xây dựng.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Điệp nói: Trong quá trình thi công, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm giám sát chủ đầu tư. Do đó, trong trường hợp để xảy ra sai phạm, cơ quan chức năng vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới, khi buông lỏng quản lý.

“Tất nhiên, trong câu chuyện này, người mua nhà sẽ chịu thiệt trăm bề, khi họ vừa mất tiền, lại không có sồ hồng, chứng mình quyền sở hữu nhà ở. Ở đây, cơ quan chức năng vẫn phải san sẻ trách nhiệm, để trả lại quyền lợi cho người mua nhà”, ông Điệp nói.

Lâm Vũ

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan
0911.033.777
icons8-exercise-96