icon icon

Tiền điện tăng bất thường dù về quê nghỉ Tết

Dù tổng số ngày về quê ăn Tết lên đến 10 ngày, đi chúc Tết nhiều hơn ở nhà, nhiều gia đình tại Hà Nội lại “ngã ngửa” với hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi các tháng trước đó.

Về quê vài hôm, thậm chí 10 ngày để ăn Tết và không có nhu cầu sử dụng nhiều điện trong những thời gian này nhưng nhiều hộ dân tại Hà Nội và khu vực lân cận đã bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến.

Về quê ăn Tết, tiền điện tăng gấp đôi

Trở lại Hà Nội sau vài ngày về quê thăm ông bà trong dịp Tết Nguyên đán, gia đình anh Tiến Dũng giật mình với hóa đơn tiền điện.

Anh cho biết trung bình hàng tháng, tiền điện nhà anh sử dụng dao động từ 700.000 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng 2 tăng lên 1,6 triệu đồng. Anh cho biết hàng tháng, người “nhà đèn” sẽ đi ghi chỉ số điện vào ngày 5 hoặc 6. Tuy nhiên, do thời gian này trùng với Tết nên khoảng một tuần sau họ mới bắt đầu đi ghi điện lại.

Theo anh Dũng, Tết đi nhiều nơi, ít khi ở nhà vì vậy chỉ số điện vài ngày ghi thừa hoàn toàn có thể bù vào khoảng trống này. Việc tiền điện phải đóng tăng gần gấp đôi như vậy là bất hợp lý.

Nhiều gia đình tại Hà Nội bất ngờ với hóa đơn tiền điện tăng bất thường tháng 2/2019 (tháng Tết)
dù về quê vài ngày không sử dụng điện.

Nhiều hộ dân khác tại Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự khi vừa về quê, vừa đi thăm họ hàng, người thân, thậm chí tổng số ngày có mặt ở nhà dịp Tết chỉ bằng một nửa so với các tháng nhưng tiền điện vẫn tăng.

Chị Hoàng Thu (ngụ phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết tháng này, hóa đơn tiền điện của chị cao hơn so với các tháng trước vài trăm nghìn, dù về quê cả tuần.

“Hộ của tôi còn tăng ít. Hàng xóm của tôi là vô lý nhất bởi họ đi về quê ăn Tết nhưng tiền điện tháng 2 lại tăng gần 1 triệu đồng. Tôi đi đóng tiền giúp gia đình này hàng tháng, nhìn vào hóa đơn mà còn giật mình”, chị Thu nói.

Không chỉ tại Hà Nội, chị Mai Lan (ngụ tỉnh Hưng Yên) cũng cho biết cả chục gia đình trong khu nhà chị cũng gặp cảnh hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi so với các tháng trước đó.

“Nhà tôi hàng tháng chỉ 400.000 đồng, vừa rồi mới nhận được hóa đơn lên hơn 800.000 đồng, nhiều gia đình tăng hẳn nửa triệu. Mùa này vốn không nóng nên các thiết bị điện sử dụng ít hơn thời điểm hè rất nhiều nhưng số tiền điện phải trả như vậy là rất lạ”, chị Lan nói.

Mang thắc mắc hỏi công ty điện lực, chị Lan cho biết sau khi kiểm tra, nhân viên khẳng định đồng hồ điện của các gia đình không gặp trục trặc gì.

Điện lực Hà Nội nói gì?

Đại diện Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết thời gian qua đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về việc tiền điện tháng 2 tăng cao dù nhu cầu sử dụng không tăng. Đơn vị này đã cho tìm hiểu, kiểm tra tình hình sử dụng điện tại các khu vực nhận được phản ánh.

Phía EVN Hà Nội giải thích hóa đơn tiền điện tăng là do thay đổi ngày ghi chỉ số điện do trùng với kỳ nghỉ Tết.

EVN Hà Nội giải thích hóa đơn tiền điện tháng 2/2019 tăng là do thay đổi ngày ghi chỉ số điện
do trùng với kỳ nghỉ Tết.

Cụ thể, lịch ghi điện hàng tháng là ngày 5 nhưng do trùng kỳ nghỉ Tết nên chuyển sang ngày 12/2/2019. Bình thường, chu kỳ ghi điện từ ngày 6/1-5/2/2019, tức 31 ngày nhưng do ảnh hưởng của Tết, số tiền điện tháng này các hộ phải trả lên đến 38 ngày.

Đại diện EVN cho biết việc ghi điện vào dịp Tết này được thực hiện đúng Luật Điện lực. Thông tin thay đổi lịch ghi với khách hàng đã được “nhà đèn” thông báo qua các kênh như báo chí, website công ty, tin nhắn…

Đồng thời EVN Hà Nội cũng khẳng định tuy kéo dài thời gian ghi số điện nhưng không làm tăng tiền điện bằng cách tính linh hoạt hơn so với bình thường.

Ví dụ, điện năng tiêu thụ trong tháng 2/2019 của khách hàng là 500 kWh thì số tiền điện phải đóng theo định mức bậc thang được tính như sau:

Sản lượng điện tương ứng giá 1.549 đồng, được tính theo công thức: (50kWh/31 ngày) x 38 ngày = 61 kWh. Tương tự, sản lượng điện giá 1.600 đồng được tính: (50kWh/31 ngày) x 38 ngày = 61 kWh.

Phần sản lượng điện giá 1.858 đồng: (100kWh/31 ngày) x 38 ngày = 123 kWh. Tương tự, sản lượng điện tính theo giá 2.340 đồng và 2.615 đồng lần lượt là 123 kWh và 123 kWh.

Phần sản lượng điện còn lại, 9 kWh sẽ được tính theo biểu giá bậc cao nhất là 2.701 đồng.

Như vậy, với cách tính này, hộ sử dụng 500 kWh điện năng trong tháng 2/2019 (có điều chỉnh số ngày ghi điện lên 38 ngày) sẽ đóng tổng cộng gần 1,2 triệu đồng.

“Đối với kỳ hoá đơn tháng 3/2019, lịch ghi chỉ số công tơ vẫn là ngày 5 hàng tháng như cũ. Như vậy, số ngày dùng điện thực tế của khách hàng từ ngày 13/2-5/3/2019 sẽ chỉ 21 ngày và được tính toán tương tự cách tính trên”, đại diện EVN Hà Nội thông tin.

Đồng thời, đơn vị này cũng cho biết sẽ sẵn sàng tiếp nhận và kiểm tra các ý kiến phản ánh của khách hàng về những bất thường trong quá trình sử dụng điện.

news.zing.vn

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan
0911.033.777
icons8-exercise-96