icon icon

Tranh chấp ở chung cư, tại sao “thượng đế” luôn chịu thiệt?

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành, chiếm khoảng 10% tổng số nhà chung cư. Tại Hà Nội, có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố có một chung cư đang xảy ra tranh chấp. Và có một thực tế là, mỗi khi tranh chấp chung cư xảy ra, cư dân thường là người thua thiệt.

Tranh chấp chung cư đang có xu hướng ngày càng gia tăng với tính chất phức tạp hơn. Riêng tại Hà Nội, một điểm dễ nhận thấy tại các vụ tranh chấp xảy ra thời gian gần đây là các chủ đầu tư, ban quản lý sử dụng “chiêu” cắt điện, nước như một thứ “vũ khí” để gây áp lực với cư dân.

Anh Tùng, cư dân dự án Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm), cho biết anh đã hết sức lo lắng bởi chỉ sau một trận mưa, ổ điện nhà anh bị rò nước. Cùng đó, trong thời gian chủ đầu tư và cư dân chưa thống nhất được phí dịch vụ, chủ đầu tư đã lập tức cắt điện, nước của cư dân.

Cư dân hai tòa S1 và S4 tại khu đô thị TNR Goldmark City cho biết, để ép cư dân đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư còn dùng “chiêu” giữ sổ đỏ và không trả tiền chênh lệch diện tích căn hộ.

Hay như chung cư Scitech Tower, ngõ 304 đường Hồ Tùng Mậu, cư dân phản ánh cả chục ngày liền chung cư này bị cắt nước khiến các hộ dân khốn đốn, thậm chí người dân phải xếp hàng rồng rắn vào nhà chứa rác lấy nước về dùng.

Cuối tháng 9 vừa qua, phản ánh với CafeLand, ông Phạm Văn Quyết, đại diện cư dân chung cư CT3 tại 81 Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho hay các hộ dân đã phải bỏ tiền ra mua các xe téc nước bên ngoài về sử dụng, dẫn đến cảnh nhà nhà mang xô chậu, xếp hàng chờ lấy nước. Việc giặt quần áo do đó cũng được thực hiện ngay tại chân tòa chung cư này.

Tranh chấp chung cư đang có xu hướng ngày càng gia tăng với tính chất phức tạp hơn.

Theo cư dân này, nguyên nhân bị cắt nước là do phía chủ đầu tư cho rằng người dân đang nợ phí quản lý vận hành, trông giữ xe ô tô hai năm nay. Tuy nhiên, ông Quyết cho biết, điều này là vô lý khi Ban quản trị không ký hợp đồng vận hành quản lý tòa nhà với Công ty C’Land nên cư dân không thể đóng tiền cho chủ đầu tư.

Tại chung cư Smile Building (Hoàng Mai, Hà Nội), thời gian vừa qua, một số cư dân bị cắt nước do không đóng khoản phí dịch vụ 3 triệu đồng trong thời gian thi công nội thất. Bên cạnh đó, họ cho rằng mức phí dịch vụ quản lý, vận hành 5.000 đồng mỗi m2 một tháng tại đây là quá cao với chất lượng dịch vụ quản lý “chưa tương xứng”.

Trước đó, vào đầu tháng 7, một số cư dân tại chung cư MonCity (Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng phản ánh về tình trạng bị cắt nước. Khi bị cắt nước, một số hộ xách nước, mang xô, chậu xuống sảnh để quay clip cảnh gội đầu.

Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Tùng cho biết, thời gian qua tranh chấp chung cư diễn ra tương đối nhiều, nhưng người chịu thiệt là người dân. Mặc dù hành lang pháp lý khá rõ ràng, nhưng việc thực thi chưa được đúng như kỳ vọng của người làm luật.

Đứng trên lập trường người dân, luật sư Tùng cho hay, khi tranh chấp xảy ra, người dân đã phải đi đến từng nơi gửi đơn để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhiều khu chung cư đỏ rực băng rôn, khẩu hiệu, thậm chí có những chung cư người dân còn mang cả xô chậu, quần áo xuống sảnh giặt vì bị chủ đầu tư cắt nước như một hành động thể hiện sự bức xúc. Nhiều toà nhà không thống nhất được giá dịch vụ thì bị chủ đầu tư giữ lại sổ đỏ. Một số toà khác người dân không biết bao giờ mới được nhận sổ đỏ vì chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Rồi những cuộc tranh chấp tưởng như không hồi kết về phí bảo trì liên tục diễn ra.

“Trên con đường bảo vệ quyền lợi của mình, người dân sẽ phải đối diện với nhiều vướng mắc. Các cơ quan chức năng luôn đòi hỏi người dân đấu tranh nhưng phải tuân thủ nguyên tắc. Song có những trường hợp, chính những văn bản được ban hành lại đẩy vụ việc đi xa, gây khó khăn không nhỏ cho cư dân”, luật sư Tùng nói.

Theo luật sư Tùng, thực trạng này xuất phát từ ba nguyên nhân chính:

Một là ý thức tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư, mặc dù quy định khá rõ ràng, chủ đầu tư phải có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện đăng ký quyền sở hữu nhà ở cho cư dân. Việc bàn giao các trang thiết bị, sở hữu chung riêng, quỹ bảo trì… đã được quy định trong luật, nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ và không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Hai là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi pháp luật. “Phải chăng đang có sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý khi những vụ việc bức xúc xảy ra nhiều nhưng cơ quan xử lý chậm trễ, hoặc xử lý không thoả đáng”, luật sư Tùng đặt vấn đề.

Ba là, chúng ta chưa quen với việc đưa ra toà để giải quyết. Nếu hai bên không thoả thuận được thì đưa ra toà, nhưng cư dân lại kêu cứu, kiến nghị chính quyền địa phương. Vậy, cơ chế để chính quyền địa phương giải quyết vấn đề này như thế nào?

Thực tế ở đây đã có những buổi làm việc giữa cư dân, chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Đồng thời đã có những biên bản, công văn được ban hành. Tuy nhiên, những chỉ đạo, yêu cầu đó lại chưa được thực hiện trong thực tế.

Để hạn chế tranh chấp, theo luật sư Nguyễn Đức Tùng, vấn đề này trước nhất cần được quy định trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật một cách hết sức rõ ràng, sau nữa là cần cả một hệ thống hết lòng nhập cuộc, thực thi.

cafeland.vn

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan
0911.033.777
icons8-exercise-96