Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, chung cư mọc lên ngày càng nhiều, vậy lối ra nào để hình thành một nếp sống văn hóa, văn minh cho chung cư?
Tranh chấp chung cư kéo dài không chỉ gây hậu quả cho chủ đầu tư và cư dân mà còn tạo bất ổn xã hội, tiền lệ xấu cho các chủ đầu tư tiếp tục vi phạm.
Vì vậy, việc tìm kiếm một mô hình “văn hóa chung cư”, nhất là cách thức ứng xử trong cộng đồng có tính đặc thù như chung cư là một nhu cầu tất yếu của đô thị phát triển như Hà Nội.
Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, chung cư mọc lên ngày càng nhiều, vậy lối ra nào để hình thành một nếp sống văn hóa, văn minh cho chung cư?
Khơi dậy ý thức cư dân
Thành phố Hà Nội đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng với những khuyến cáo cụ thể, có thể áp dụng cho cả khu vực chung cư.
Nhiều chung cư đã niêm yết bộ Quy tắc này tại khu vực thang máy, thang bộ, nhà sinh hoạt cộng đồng để cư dân dễ tiếp cận. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử tại các chung cư vẫn cần quy định riêng phù hợp với tính chất, môi trường sống, sinh hoạt của cư dân.
Theo ông Ngô Văn Nam, Trưởng Phòng xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố chưa thể ban hành Quy tắc ứng xử riêng cho các khu chung cư nhưng có thể tính đến việc xây dựng sổ tay văn hóa ứng xử.
Cuối tháng 6/2019, quận Hoàng Mai đã triển khai mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử “Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung”.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái cho biết, mô hình tuyên truyền được triển khai nhằm tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét về xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị.
Mỗi phường trên địa bàn quận sẽ xây dựng một mô hình tuyên truyền chung cư mẫu theo mô hình “Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung” để nhân dân đang sinh sống trong các tòa chung cư thực hiện, từ đó nhân rộng, tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong việc thực hiện quy tắc ứng xử tại địa phương.
Đây có thể coi là mô hình tốt để địa bàn khác, các chung cư có thể áp dụng nhằm xây dựng nếp sống văn hóa chung cư.
Nhiều chuyên gia cho rằng hơn lúc nào hết, chủ đầu tư, Ban quản trị cần kết hợp với tổ dân phố và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho cư dân các chung cư nhằm tạo lối sống mới. Bên cạnh việc quản lý trật tự tại cộng đồng chung cư theo các khung quy định cũng cần quản lý theo cơ chế mềm.
Tức là xây dựng một khuôn mẫu đạo đức, hướng người dân vào khuôn mẫu đó. Như vậy sẽ tạo ra nền tảng văn hóa, hình thành lối ứng xử văn minh cho các cư dân. Nếu không khẩn trương thực hiện, sau này sẽ càng tạo sự hẫng hụt trong văn hóa ứng xử chung cư.
Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, trước mắt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy ý thức của cư dân nhằm tạo nên sự bền vững trong văn hóa ứng xử.
Do có đặc thù riêng, văn hóa chung cư tác động đến khu đô thị, địa phương sở tại, thậm chí đến cả thành phố chứ không phải văn hóa chung cư chỉ là ứng xử của cư dân ở đấy. Việc nâng cao nhận thức và ý thức của cư dân càng trở nên quan trọng.
Giải quyết tận gốc mâu thuẫn
Thực tế cho thấy, mâu thuẫn tại các chung cư trên địa bàn Thủ đô xảy ra giữa chủ đầu tư và cư dân đang là chủ đề “nóng” khi quyền lợi hai bên bị xung đột, mấu chốt vẫn là vận hành tòa nhà.
Để khắc phục tình trạng này, một số chuyên gia cho rằng, nếu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc từ quá trình đầu tư xây dựng đến quản lý vận hành khi chưa có Ban quản trị và đến khi bàn giao hồ sơ, hạng mục công trình sẽ không nảy sinh mâu thuẫn.
Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, vận hành tòa nhà phải là một đơn vị chuyên nghiệp, đặc biệt cần gắn trách nhiệm của chủ đầu tư vào việc quản lý, vận hành tòa nhà sau khi bàn giao công trình chứ không thể để chủ đầu tư bán nhà kiếm lợi nhuận xong không còn trách nhiệm.
Vì vậy, cần ưu tiên chủ đầu tư vào vận hành, bảo trì hệ thống kỹ thuật với giá cạnh tranh được hội nghị nhà chung cư thông qua.
“Đơn vị thuê vận hành không có nghiệp vụ sẽ gây hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng tòa nhà, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Những quy định về vận hành tòa nhà, quỹ bảo trì, diện tích sử dụng chung… cần được xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế đặt ra”, ông Nguyễn Văn Đính nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Quốc Doanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hapulico kiến nghị cơ quan chức năng cần bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện của các thành viên ban quản trị theo hướng có trình độ hiểu biết nhất định về một trong những ngành nghề chuyên môn…
Xung quanh việc làm thế nào để quản lý chung cư một cách tốt nhất, ông Trần Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ quản lý tòa nhà Hà Nội khẳng định, công tác quản lý là một trong ba yếu tố quyết định đến giá nhà chung cư tại các khu đô thị.
Trong môi trường khá phức tạp ở chung cư, các bên phải hành xử trên nguyên tắc “biết người, biết ta”, ý thức giảm bớt những lợi ích riêng của mình khi giải quyết các vấn đề chung.
Bởi chỉ khi chung cư hoạt động ổn định, an ninh được đảm bảo, chính cư dân, người sở hữu nhà chung cư là người có lợi, giá trị căn nhà sẽ tăng theo.
“Vấn đề ở đây nữa là thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc thanh kiểm tra, giám sát thường xuyên để tránh xảy ra việc tranh chấp chung cư. Nếu như các cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, phát hiện những sai phạm và buộc chủ đầu tư phải xử lý, sửa chữa ngay từ lúc ban đầu, có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra những việc khiếu kiện phức tạp”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng muốn giải quyết tận gốc những mâu thuẫn lợi ích trong tranh chấp chung cư, bên cạnh hệ thống pháp luật cần có cách để mọi người không vi phạm quy định hoặc có cách hành xử văn minh trong xử lý tranh chấp.
Những yếu tố về khuôn mẫu văn hóa, đạo đức trong cộng đồng là rất quan trọng để tất cả các bên cùng thực hiện, chấm điểm công khai theo từng thang bậc.
Có như vậy, tình trạng tranh chấp chung cư mới có thể “hạ nhiệt” và giữ được trật tự cộng đồng, đặc biệt là nền tảng văn hóa xã hội.
bnews.vn