icon icon

VCCI đề xuất bỏ ngành nghề quản lý vận hành chung cư

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư (sửa đổi) năm 2016.
Theo đó, VCCI đã tiến hành rà soát 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh và nhận thấy 22 ngành nghề kinh doanh cần được xem xét để bãi bỏ ra khỏi danh mục này. Trong số đó có kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư (Mục 119).

Xét về bản chất thì đây là hợp đồng việc về dịch vụ, dịch vụ tốt hay không sẽ do thị trường quyết định.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tại khoản 2, điều 105 của Luật Nhà ở 2014 thì đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có đủ điều kiện về chức năng và năng lực theo quy định: Được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Hợp tác xã và có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư.

Bên cạnh đó, đơn vị này phải có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư bao gồm bộ phận kỹ thuật, dịch vụ, bảo vệ an ninh, vệ sinh, môi trường.

Đồng thời, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu về quản lý vận hành nhà ở bao gồm lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng.

 

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc quản lý vận hành nhà chung cư là một việc phức tạp, đòi hỏi người làm cần có kiến thức, trình độ chuyên môn.

Thí dụ, tại một khu chung cư có khoảng 5.000 – 10.000 dân, yêu cầu người làm giám đốc quản lý vận hành hoặc trưởng Ban quản trị phải hiểu biết về quản lý nhà nước cũng như những lĩnh vực xây dựng, pháp luật, tài chính kinh tế tương đương như một chủ tịch quận.

Với chung cư có từ 1.000 đến vài nghìn dân thì cần người quản lý tương đương với trưởng phòng cấp quận hoặc chủ tịch phường.

Điều đó có nghĩa công việc này yêu cầu người làm phải có trí tuệ, có nghiệp vụ về quản lý nhà nước và chuyên môn kỹ thuật, kinh tế, luật pháp…

Do đó, theo luật sư Tú, nếu Luật Đầu tư đề xuất bãi bỏ ngành nghề quản lý vận hành chung cư thì có thể không đảm bảo đối với thực tiễn hiện nay.

Luật sư Tú đề nghị các chuyên gia soạn thảo Luật đầu tư cần tham khảo, cân nhắc để có thể đưa ra đạo luật mang tính toàn diện.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam tại Hà Nội, cũng cho rằng đây là một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao, bao gồm chuyên môn vận hành và những kỹ năng mềm liên quan đến quản lý, xử lý sự cố.

Trong quá trình vận hành đưa dự án vào sử dụng, chủ đầu tư cũng có thể thuê các đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý tòa nhà. Các đơn vị này có nhiều kinh nghiệm giúp giải quyết sự cố nhanh hơn.

Theo bà An, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển, không ít các chủ đầu tư vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành nhà chung cư, cư dân cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sống trong chung cư cũng như lựa chọn những sản phẩm bất động sản phù hợp.

“Do đó đây là một ngành nghề tương đối quan trọng ảnh hưởng không ít đến đến chất lượng cuộc sống của cư dân cũng như những dự án chung cư, văn phòng và các loại hình bất động sản khác”, bà An nhận định.

cafeland.vn

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan
0911.033.777
icons8-exercise-96