Từ những vụ trẻ rơi lầu vừa qua, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát lại lan can ban công, lô gia… ở các tòa nhà cao tầng, chung cư nhằm ngăn chặn rủi ro có thể xảy ra
Thời gian qua, trên khắp cả nước, đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ rơi từ ban công, cửa sổ, lô gia nhà chung cư xuống gây những hậu quả đáng tiếc, đau lòng. Vụ việc cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12, chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào chiều 28-2, may mắn được anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu, cảnh tỉnh nhiều người về ý thức bảo vệ an toàn cho trẻ.
Hiểm họa từ sự chủ quan
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết theo Quy chuẩn xây dựng của Việt Nam (QCXDVN), các công trình xây dựng dù cao hay thấp tầng đều phải được thiết kế bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn cháy nổ, môi trường cho người sử dụng. Cụ thể, tại QCXDVN 05:2008/BXD (quy chuẩn về nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe) quy định các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời, các lỗ mở (bao gồm cửa sổ) phải có lan can chắn và phải bảo đảm chiều cao tối thiểu 1,4 m; đối với lan can, rào chắn tại nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng, lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên phải là 1,4 m. Ngoài ra, thang đường dốc tối thiểu 0,9 m; các vị trí khác tối thiểu 1,1 m.
Tại chung cư nơi cháu bé 3 tuổi rơi xuống từ tầng 12, lan can của nhiều hộ gia đình không bảo đảm an toàn Ảnh: HUY THANH
Cũng theo quy chuẩn trên, đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và khe hở của lan can không có lỗ hổng đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, bảo đảm chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75 mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Bộ Xây dựng khuyến cáo không nên làm lan can bằng các thanh chắn ngang, dễ tạo thành bậc thang để trẻ em trèo, leo.
Còn theo QCVN 04: 2019/BXD (quy chuẩn quốc gia về nhà chung cư) quy định rào, lan can, ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được thấp hơn 1,4 m.
Với các quy chuẩn trên, ông Vũ Ngọc Anh khẳng định Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các chung cư, nhà cao tầng. Đây là những yêu cầu bắt buộc khi thiết kế xây dựng nhà chung cư. Vấn đề quan trọng là ý thức bảo vệ trẻ từ chính gia đình. Sự giám sát của bố mẹ, người chăm sóc trẻ rất quan trọng để bảo đảm an toàn khi trẻ em sống trong các tòa nhà cao tầng, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Nên rà soát chung cư
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cũng cho rằng việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng ở Việt Nam đều có quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng. Tuy nhiên, việc trẻ em rơi từ tầng cao nhà chung cư ngoài những nguyên nhân từ sự chủ quan, lơ là của người lớn không trông nom trẻ thì vẫn còn có lỗi đến từ việc thiết kế hoặc thi công chưa bảo đảm của đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình đó. Nhiều công trình chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế nhưng đã đưa người dân vào ở. Do đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát lại lan can, ban công, lô gia… ở các tòa nhà cao tầng, chung cư hiện nay thiết kế có đúng quy định hay không.
Về vấn đề bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ tại các khu chung cư, nhà cao tầng, thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân, khuyến cáo mỗi hộ gia đình sinh sống ở chung cư hay có nhà riêng cần bảo đảm sự an toàn cho trẻ nhỏ, tránh xa ổ điện, đường dây điện, vật liệu sắc nhọn, ô cửa phải làm thật chắc chắn, không để trẻ có thể lọt qua được.
Công an quận Thanh Xuân cũng đề xuất tại các địa bàn trên TP Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung cần tiến hành rà soát việc tuân thủ các quy chuẩn, quy định về an toàn chung cư, nhà cao tầng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.