icon icon

Nguy cơ từ Carina Plaza và các chung cư cao cấp

Sau sự cố hỏa hoạn tại chung cư Carina TP. HCM, trên trang Facebook riêng của mình, KTS Đào Đông Nhật, hiện đang sinh sống tại Florida, Hoa Kỳ đã có bài viết về các vấn đề về an ninh, an toàn còn bất cập tại các chung cư tại Việt Nam. Bài viết còn gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều, PSA xin trích đăng các ý kiến của ông.

Carina Plaza và “chung cư cao cấp” nói chung có các lỗi thiết kế căn bản, không an toàn. Nhà cao tầng là một kiến trúc cao cấp và nguy hiểm, đặc biệt là chung cư, khi có rất nhiều người ở, nhất là đang ngủ trong khi hỏa hoạn có thể xảy ra trong đêm.

Ảnh minh họa

1. Hai buồng thang thoát hiểm quá gần.
Luật của International building Code (IBC) qui định khoảng cách tối thiểu giữa 2 thang thoát hiểm phải lớn hơn 1/3 đường chéo giữa hai góc xa nhất của building. Trong trường hợp này là 1/3 của 67m, tức là hơn 22.3m. Nhưng hai buồng thang của Carina chỉ cách nhau 14,5m.

2. Hành lang thoát hiểm.
Hành lang thoát hiểm phải kín khói và chống cháy ít nhất 1 giờ. Không riêng Carina, các thiết kế chung cư tại VN hiện nay đều để hành lang hở. Chủ yếu là thông gió lấy sáng và tiết kiệm tiền máy điều hòa, nhưng cũng là nơi thông khói thông lửa tràn lan. Hành lang thoát hiểm hở chỉ có thể sử dụng cho công trình dưới 5 tầng.

3. Khoảng thông tầng.
Atrium, thông tầng, thang máy, ống rác, đường ống máy điều hòa,… đều là những ống thông lửa ống khói của nhà cao tầng, cần phải thiết kế đặc biệt và nguyên tắc là đóng kín và chống cháy 2 giờ. Cụ thể là mặt bằng của Carina còn mở hành lang vào khoảng thông tầng bên trong. Chỉ cần một đám cháy từ tầng dưới bốc lên ngay khoảng thông tầng này là cả hai cầu thang đều bị tê liệt.

4. Sảnh thang máy.
Thang máy phải có sảnh riêng, có tường bao bọc chống cháy ít nhất 1 giờ và không có căn hộ nào được mở trực tiếp vào sảnh mà phải qua hành lang.

Một giải pháp cho sảnh mở là sử dụng cửa magnetic hold. Tức là có nam châm điện giữ lại. Bình thường thì mở cho thoáng và thuận tiện giao thông, khi có cháy thì hệ thống báo động sẽ tự động sẽ ngắt điện và cửa sẽ đóng lại. Mục đích ngăn khói và lửa từ tầng dưới bốc lên qua “ống khói” thang máy. Dù cầu thang, thang máy đã có trang bị hệ thống tăng áp trên mái (pressurizers)

5. Cửa thoát hiểm.
Cửa thoát hiểm phải mở theo hướng thoát, trừ cửa vào căn hộ vì dưới 50 người. Cửa thoát hiểm phải chống cháy và luôn luôn có hệ thống tự động khép lại. Luật bắt buộc sử dụng push bar, tức là thanh đẩy mở cửa vì tay nắm có thể bị vướng hoặc trục trặc lúc hoảng loạn.

Luật về chống cháy rất nhiều và rất phức tạp, nhất là cho nhà cao tầng. Nguyên tắc chung là thiết kế ít nhất 2 lối thoát hiểm xa nhau, kín khói, chống cháy từ cửa căn hộ cho tới cầu thang và xuống tới tầng trệt ra ngoài.

Ở Mỹ ngoài Building Code ra, kiến trúc sư phải tra cứu Fire Code, Life Safety Code của NFPA (National Fire Protection Agency). Ngoài hệ thống báo động, phun nước từng khu vực, từng tầng, còn có hệ thống phát điện dự phòng tự động, hệ thống máy bơm riêng… Nhà cao tầng nào ở Mỹ cũng phải có Fire Command Center, tức là một phòng điều khiển trung tâm dành cho Sở cứu hỏa.

KTS Đào Đông Nhật – Florida

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan
0911.033.777
icons8-exercise-96