Ở nhiều chung cư, ban quản trị – đơn vị được bầu để bảo vệ cư dân – lại là nguyên nhân cho những căng thẳng, tranh chấp dai dẳng.
Tại một tòa nhà chung cư ở Hà Đông, sau một năm dự án đi vào vận hành, trưởng ban quản trị bị tố khuất tất trong chi tiêu quỹ bảo trì, thuê đơn vị quản lý. Các cư dân cũng cho biết, trưởng ban quản trị đã cho thuê những phần diện tích chung trong tòa nhà nhưng không công khai mức giá, nguồn thu.
Theo cư dân, trước khi trở thành trưởng ban quản trị chính thức, vị này rất tích cực đòi hỏi các quyền lợi cho cư dân, đặc biệt là yêu cầu chủ đầu tư sớm bàn giao quỹ bảo trì. Tuy nhiên, khi chính thức được bỏ phiếu bầu tại hội nghị nhà chung cư, vị này lại rất thờ ơ với các yêu cầu của cư dân, trong đó cả vấn đề thiết yếu như nước sinh hoạt trong tòa nhà không đảm bảo vệ sinh. Thậm chí nhiều cư dân cho rằng, các thành viên trong ban quản trị đã thỏa hiệp với chủ đầu tư thay vì đấu tranh cho cư dân.
Sau hàng năm trời diễn ra căng thẳng dẫn đến việc cư dân liên tục tổ chức căng băng rôn, gửi đơn thư để gây sức ép, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường tại đây mới được tiến hành. Tuy nhiên, cựu trưởng ban quản trị vẫn gây khó dễ trong việc bàn giao quỹ bảo trì của hơn 1.000 căn hộ, xấp xỉ gần 40 tỷ đồng.
Chưa kể, trong thời gian giữ chức vụ này, trưởng ban quản trị còn đi vận động và ứng cử vào vị trí tương đương ở một tòa chung cư khác và coi đó như một “nghề”.
Ở một số dự án chung cư Hà Nội có tình trạng căng thẳng dẫn đến việc căng băng rôn, gửi đơn thư đều xuất phát từ chính ban quản trị hoặc ban đại diện lâm thời. Những diễn biến này đôi khi không phải vì mục đích chung của cư dân trong tòa nhà mà vì quyền lợi riêng, có thể để thông qua việc đàm phán lợi ích với chủ đầu tư hoặc để lợi dụng từ chi tiêu các khoản trong quỹ bảo trì.
Tại một dự án ở Hoàng Mai, từ khi bàn giao đến lúc diễn ra hội nghị nhà chung cư liên tục xảy ra tình trạng căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến các vấn đề về phí dịch vụ, quản lý tòa nhà…. Đặc biệt, hầu hết các căng thẳng này đều do nhóm ban đại diện lâm thời vạch ra và kích động cư dân căng băng rôn. Tuy nhiên, trong nhóm của cư dân trên mạng xã hội, nếu một ai đó chỉ cần đưa ra ý kiến trái chiều với các nội dung tranh luận thì lập tức bị quản trị viên xóa khỏi nhóm thảo luận.
Ở một dự án khác chủ đầu tư bàn giao căn hộ được gần một năm và sắp đến thời hạn tổ chức hội nghị nhà chung cư, lúc này cuộc đua vào ban quản trị cũng bắt đầu diễn ra một cách âm thầm. Một số người đứng đầu nhóm cư dân vạch lỗi chủ đầu tư, thường xuyên đưa thông tin kích động cư dân gây bức xúc, căng thẳng, thậm chí hô hào căng băng rôn, gửi đơn thư tới các cơ quan truyền thông, phát tán thông tin trên mạng xã hội, dùng những ngôn ngữ mang tính kích động.
“Tuy mượn danh là đấu tranh cho cư dân nhưng khi chủ đầu tư mời làm việc để tìm tiếng nói chung thì nhất định họ không đến. Sau đó, nhóm này đưa ra những đòi hỏi riêng cho mình, yêu cầu chúng tôi phải đáp ứng, nếu không được, họ sẽ tiếp tục xúi cư dân đấu tranh. Đặc biệt, đôi khi họ còn chọn thời điểm chủ đầu tư có dự án mới đang được bán hàng để tung thông tin xấu”, một chủ đầu tư dự án tại Trung Văn, quận Nam Từ Liêm nói.
Ông cũng cho biết, khi vừa thành lập, ban quản trị chưa có con dấu và số tài khoản nhưng một mực yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì hàng chục tỷ đồng. Và sau đó, theo cư dân tại đây, khi được chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì một thời gian thì ban quản trị dự án tự ý thay đổi đơn vị quản lý, dịch vụ trong tòa nhà với mức phí cao hơn mà không xin ý kiến cư dân.
Không ít dự án trước thời điểm tổ chức hội nghị nhà chung cư đã có những cuộc vận động công khai hoặc âm thầm với những cam kết của các ứng viên muốn tham gia vào ban quản trị như: tích cực lắng nghe các bức xúc, ý kiến của cư dân, luôn minh bạch thông tin và tài chính, dùng thù lao để tài trợ 100% cho các hoạt động từ thiện… Cuộc đua này đôi khi khiến một số dự án xảy ra tình trạng Trưởng ban quản trị tòa nhà đã làm sai lệch hồ sơ để thành lập ban quản trị, không công khai số phiếu bầu, quá trình bầu cử nhiều khuất tất…. dẫn đến tình trạng bất đồng kéo dài.
Hiện các ban quản trị ngay khi được thành lập, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại khoản tiền phí bảo trì có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong tòa nhà còn có những khoản thu chi phát sinh như thu phí dịch vụ, thu phí dịch vụ quảng cáo, thuê một số phần diện tích trong tòa nhà… Các thành viên trong ban quản trị cũng là người quyết định cuối cùng về việc lựa chọn đơn vị quản lý, cung ứng các dịch vụ…
Theo quy định, hiện mỗi tòa nhà trong cụm chung cư sẽ có 3 đến 5 thành viên. Mức thù lao được hội nghị nhà chung cư bỏ phiếu thông qua nhưng thường dao động khoảng 3-5 triệu đồng, tùy quy mô chung cư. Mỗi quyết định về việc chi tiêu, lựa chọn đơn vị quản lý… theo quy định đều phải xin ý kiến cư dân và có chữ ký của tất cả các thành viên trong ban quản trị.
Tình trạng các cuộc nội chiến chung cư diễn biến thế nào trong năm 2019?
Cuộc nội chiến của chung cư gần như không bao giờ có hồi kết với “muôn hình muôn vẻ”, đối với mỗi tòa nhà chung cư sẽ có những tính chất khác nhau. Trong năm 2019, không khó để có thể bắt gặp trên Tivi và những phương tiện thông tin đại chúng những cuộc biểu tình, tranh luận về tình trạng quản lý tòa nhà chung cư,…
Năm 2019 có thể là một năm tiêu điểm trong cuộc chiến giữa cư dân và ban trị tòa nhà chung cư:
- Mâu thuẫn về chi phí quản lý chung cư
Cư dân cho rằng chi phí quản lý chung cư quá cao so với những dịch vụ mà họ nhận được.
- Mâu thuẫn về dịch vụ quản lý chung cư
Ban quản trị không thực hiện hết những dịch vụ đã cam kết với cư dân đã được thông qua trong Hội nghị nhà chung cư, hoặc tiến hành thực hiện những dịch vụ đó không đạt được hiệu quả chất lượng, với những khiếu nại của cư dân chậm trễ giải quyết hoặc không giải quyết.
- Mâu thuẫn về phí bảo trì tòa nhà
Khác với phí quản lý tòa nhà, theo quy định của pháp luật, phí bảo trì tòa nhà sẽ phải nộp ngay khi cư dân mua tòa nhà chung cư, với mức phí 2% trên tổng giá trị của tòa nhà. Đây là một khoản phí vô cùng khổng lồ. Trong những năm gần đây, tình trạng chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà “biển thủ” phí bảo trì tòa nhà lên đến hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tình trạng giải quyết các mâu thuẫn của cơ quan chức năng cũng đang gặp nhiều bất cập cụ thể là tình trạng thủ tục “lắt léo” trong giải quyết, thời gian giải quyết chậm trễ, hoặc biện pháp xử phạt chưa đủ răn đe,…
Nếu một ban quản trị tòa nhà không có tầm có tâm thì cuộc chiến này sẽ vĩnh viễn kéo dài. Bài toán đặt ra cho những cư dân là phải bầu ra một ban quản trị tòa nhà có tâm, minh bạch để có thể đảm bảo được lợi ích của cư dân.
vnexpress.net