Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (nay là Chủ tịch Quốc hội), hạ tầng phòng cháy được đầu tư khá đầy đủ song không bảo quản nên lúc nguy cấp không dùng được.
Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo Điều 13 của dự thảo, khi lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp, bắt buộc có giải pháp và thiết kế về phòng cháy chữa cháy, bao gồm hệ thống giao thông, nguồn nước, địa điểm cho lực lượng chữa cháy. Các dự án, công trình cũng phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy như khoảng cách an toàn, giải pháp thoát nạn, chống khói, bậc chịu lửa…
Đề cập đến thực trạng đáng lo ngại về hệ thống phòng cháy chữa cháy tại nhiều địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói nhiều nơi có bể và vòi nước chữa cháy nhưng ít được sử dụng nên khi xảy ra hỏa hoạn, các bể nước này lại không hoạt động. Ở một số khu vực, xe chữa cháy chỉ có thể tiếp cận được các tòa nhà 5-7 tầng, trong khi lại cấp phép cho xây chung cư 12 tầng. Vì vậy ông đề nghị cần quy định khu đô thị phải có đường cho xe chữa cháy đi vào.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phòng cháy với nhà ở là vấn đề được người dân quan tâm nhưng dự thảo chưa có điểm khác biệt so với hiện hành. “Các vụ cháy nhà dân, chung cư mini đều rất thảm khốc. Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy với nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh”, ông Mẫn nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng tiếp cận hiện trường cho xe chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ thực trạng việc chữa cháy, cứu hộ tại các khu dân cư gặp nhiều khó khăn do thiếu quy hoạch về khoảng cách an toàn cho xe chữa cháy. Đây là vấn đề kỹ thuật liên quan đến quy hoạch đô thị, tuy nhiên Luật Quy hoạch hiện hành và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đều chưa có quy định.
Do đó, ông Thanh đề xuất cần thiết kế quy định về khoảng cách an toàn cho xe chữa cháy trong luật chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới nói có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp phù hợp, nhất là với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Ủy ban đề nghị nghiên cứu quy định công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải ở mức nào thì phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy.
Ủy ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định bố trí, tiêu chuẩn kỹ thuật các trụ nước; bổ sung quy định cho phép người chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 28 được quyền “cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy”.
Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 khai mạc ngày 20/5. Dự luật sẽ khắc phục những vướng mắc và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, trách nhiệm, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; bổ sung quy định về thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; phòng cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông và trong sử dụng, cung ứng điện…
vnexpress.net