Hiện nay, công tác hậu bán hàng, quản lý vận hành tòa nhà đã được quan tâm nhiều hơn. Bằng chứng là hàng trăm công ty hoạt động trong lĩnh vực này ra đời. Tuy nhiên, nhiều khu vực chưa cải thiện được bộ mặt đô thị, tòa nhà, vẫn để xảy ra sai phạm trong quản lý. Do vậy rất cần những đơn vị chuyên nghiệp tham gia quản lý, vận hành tòa nhà để mang lại sự an tâm, hài lòng cho khách hàng.
Vẫn còn nhiều nhếch nhác
Có mặt tại khu chung cư Kim Văn – Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chúng tôi chứng kiến toàn bộ khuôn viên chung quanh đang bị các hộ dân lấn chiếm làm nơi buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ khiến cho cảnh quan môi trường nơi đây đang bị xâm hại nghiêm trọng. Không chỉ vậy, cả bốn tòa nhà hơn 40 tầng phục vụ nhu cầu an cư của gần 3.000 hộ dân không hề có khuôn viên, thảm cỏ dành cho người già, trẻ nhỏ tản bộ. Để “chữa cháy”, các hộ dân đã tự quyên góp tiền xây dựng khu vui chơi cho các cháu nhỏ và diện tích được trưng dụng chính là vỉa hè đầu hồi của tòa nhà CT12A, khu tiếp giáp đường Nguyễn Xuân Yêm và đường đi nội bộ tòa nhà với hàng trăm lượt ô-tô, xe máy ra vào, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Tiếp đến, khoảng lưu không giữa tòa nhà CT12A và CT11 rộng gần 1.000 m2 được chủ đầu tư tận dụng làm điểm trông giữ xe cho khách để thu lời. Chẳng riêng gì khu vực này, ngay cả vỉa hè, tuyến đi nội bộ giữa các tòa nhà cũng bị lấn chiếm bằng cách sơn vạch, kẻ đường làm điểm trông giữ ô-tô buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường, khiến nguy cơ mất an toàn giao thông gia tăng. Đó là chưa kể toàn bộ hệ thống ống nước, cáp dây điện, hệ thống cứu hỏa,… được giăng như mạng nhện mà không hề có sự đầu tư, xây đắp lại.
Chị Nguyễn Thị Hiền sống tại khu nhà tâm sự, chỗ đường hầm gửi xe nay người bán rau, mai người bán thịt, cứ thế biến thành cái chợ, khiến đường hầm gửi xe bị tắc nghẽn. Đi làm về, phải lách qua mấy hàng nước ngồi tràn ngoài ban công, rồi đến hàng rau củ quả, hàng rong lượn như đèn cù… mới gửi xe được. Đã thế, nhà rác chung cho bốn tòa nhà và hệ thống thoát hơi, thoát khí không bảo đảm, khiến mỗi lần xuống lấy xe như cực hình, rất hôi hám. Muốn con xuống đường chơi thì vỉa hè đã “chềnh ềnh” hàng xe ô-tô, trong khi khu vui chơi bị chặn bởi lò quạt chả của bà bán bún chả…
Cùng chung nhận xét, chị Tô Minh Nguyệt, người dân sống trong khu chung cư cho biết những vấn đề nổi cộm như cảnh quan môi trường bị xâm lấn, quán hàng rong, lưu động đã manh nha xuất hiện nhưng không hề thấy các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý. Nhiều người dân mong muốn, ban quản lý tòa nhà phải tính toán làm sao để chuyển bãi trông giữ xe ở điểm giữa hai tòa nhà CT12A và CT11 đi chỗ khác và dành khu vực này làm sân chơi cho trẻ em, nhưng mong muốn vẫn chỉ là mong muốn.
Không riêng gì khu chung cư Kim Văn – Kim Lũ, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính một thời nổi danh là khu chung cư văn minh, lịch sự nhất nhì Hà Nội hiện cũng đang rơi vào những bất cập. Do đặc thù hầm trông giữ xe chỉ nhận trông xe tháng cho nên khách vãng lai bắt buộc phải gửi xe tại các điểm trông giữ xe tự phát. Bác Nguyễn Cư Chiến, trú tại tòa nhà 17 T8 cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè đang có dấu hiệu gia tăng do chung quanh có các cơ quan, doanh nghiệp thuê văn phòng làm việc.
Điều đáng nói ở đây là các bãi trông xe tự phát vô tư mọc lên, người ta căng dây, kẻ vạch lấn chiếm vỉa hè làm điểm trông giữ xe khiến người đi bộ phải đi cả xuống lòng đường. “Tiền vé trông xe thì họ hưởng nhưng an toàn, tính mạng của người dân, học sinh đi lại vào những giờ cao điểm thì họ mặc kệ. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch lại những điểm trông giữ xe này, tránh để mọc tự phát, lấn chiếm hè đường, gây cản trở đi lại của người dân như hiện nay” – bác Chiến nhấn mạnh.
Cần những bàn tay chuyên nghiệp
Gần đây, hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận hành nhà chung cư được thành lập, bước đầu hình thành thị trường loại hình dịch vụ này và sức cạnh tranh ngày càng nóng. Tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực “dễ xơi” vì đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ người dân, đó là chưa kể đến những xung đột lợi ích về thu phí dịch vụ.
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) Nguyễn Thắng cho biết, nhiều công ty tham gia thị trường này theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, “bóc ngắn cắn dài”, làm ăn không chuyên nghiệp, khiến cho thị trường hỗn loạn. Thậm chí, một số doanh nghiệp đứng ra làm ăn theo kiểu thu một khoản của người dân (chủ yếu trong các chung cư đơn lẻ), sau đó khoán lại cho một nhóm người nào đó ăn chênh lệch và đến khi xảy ra sự cố, không biết “túm tóc ai”.
Hiện nay, công ty thường xuyên có khoảng 1.500 lao động, trong đó có hơn 1.000 lao động dài hạn đảm nhiệm quản lý vận hành nhà ở tại nhiều khu vực. Các cán bộ, nhân viên của công ty đều phải trải qua một khóa huấn luyện tại trung tâm đào tạo của công ty và được cấp chứng chỉ hành nghề. Mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng khá căng thẳng. Nhiều tòa nhà và khu đô thị công ty chào mời với giá dịch vụ 2.500 đồng/m2 nhưng cũng không trúng thầu. Doanh nghiệp có thời điểm mất một số khách hàng nhưng gần đây cũng có nhiều khách hàng mới và một số khách hàng cũ đã quay lại do các đơn vị khác làm ăn thiếu chuyên nghiệp, gây bức xúc cho người dân.
Một vấn đề nữa là nếu thuê những nhà quản lý không chuyên nghiệp thì khi xảy ra sự cố rất khó quy trách nhiệm, cũng như tìm hướng giải pháp nhanh gọn xử lý tình huống. Đơn cử, nếu một chiếc thang máy bị hỏng, người bảo vệ (thường là những người già, về hưu…) có thể ứng cứu được người mắc kẹt, nhưng để sửa chữa, đưa vào vận hành nhanh chóng phục vụ người dân chắc chắn sẽ mất thời gian. Trong khi đó, nếu có sự chuyên nghiệp, sự cố sẽ được khắc phục kịp thời. Câu chuyện cháy xe máy trong hầm một tòa nhà tại khu Linh Đàm vừa qua là một thí dụ cụ thể nhất. Tình huống phát sinh khi một xe máy bị cháy trong hầm, lực lượng bảo vệ tại chỗ được sự phối hợp từ các đơn vị chung quanh đã dập tắt đám cháy trước khi lực lượng cứu hỏa có mặt, góp phần giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, một xe máy cháy và bốn xe khác bị ảnh hưởng không đáng kể.
Các chuyên gia nhận định, thực tế hiện nay trao quá nhiều quyền lực và quyền lợi cho Ban quản lý tòa nhà. Họ được quyền tham gia quản lý tòa nhà hay quỹ bảo trì 2%…, thậm chí trưởng ban quản lý tòa nhà do người dân bầu ra cũng được trả một phần lương hàng tháng, trong khi thông thường ban quản lý tòa nhà ba tháng mới họp một lần. Do vậy, để thay đổi theo chiều hướng có lợi hơn cho người dân là rất khó khăn.
Việc hình thành các đơn vị dịch vụ nhà ở đô thị chuyên nghiệp sẽ tạo điều kiện giảm giá dịch vụ xuống và tạo nên sức cạnh tranh, từ đó người dân sẽ được hưởng lợi, tránh được những bất cập như vừa qua, khi một số vụ cháy chung cư xảy ra trên địa bàn Hà Nội nhưng đến thời điểm này thì công tác khắc phục, đền bù, quy trách nhiệm vẫn còn lúng túng và chưa được giải quyết triệt để.
Theo nhandan.com.vn