Chuyên gia cảnh báo, trong những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng như cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, nạn nhân không chỉ tử vong vì bỏng lửa mà còn có những hiểm họa tiềm ẩn khác.
Nửa đêm 12/9, một vụ cháy thương tâm đã xảy ra tại chung cư mini 9 tầng ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội), khiến hơn 56 người tử vong, 37 người bị thương.
Thông tin ban đầu, lửa bùng lên từ một ổ điện, sau đó lan ra những chiếc xe máy tại khu vực tầng 1 và bốc cháy dữ dội.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, nơi tiếp nhận 26 người thương vong trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội (trong đó 2 người tử vong ngoại viện), hầu hết các bệnh nhân ngộ độc khí CO. Ngoài ra, vì nhảy khỏi đám cháy nên nhiều ca bị chấn thương và đa chấn thương, đặc biệt không có trường hợp bệnh nhân bị bỏng.
Thảm họa cháy nổ: Khi lửa không phải “hung thủ” chính
Bàn luận liên quan sự việc trên, bác sĩ chuyên khoa Bỏng, một bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM cho biết, trong những vụ hỏa hoạn lớn, ngoài việc bị lửa làm bỏng cơ thể, nạn nhân còn có nguy cơ tử vong cao do ngạt và nhiễm các loại khí độc.
Khi nạn nhân bị ngạt khí sẽ dẫn đến suy hô hấp, mất kiểm soát, suy kiệt nếu không kịp thoát ra. Trong trường hợp hít phải khói và các chất độc trong thời gian dài, nạn nhân cũng có thể bị bỏng hô hấp, phù nề đường thở. Trẻ nhỏ sẽ dễ bị suy hô hấp hơn người lớn, vì đường thở nhỏ.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Uyên Vy, phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) phân tích, kiến trúc nhà ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến kiểu xây cao tầng. Đặc biệt ở những thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc, những tòa nhà thường được thiết kế như một chiếc hộp, ít cửa sổ thông thoáng.
Khi hỏa hoạn xảy ra sẽ làm phát sinh nhiều khí ngạt Cyanure. Thêm vào đó, vật liệu xây dựng hay nội thất trong nhà ngày nay đa số được làm từ nhựa, nên khi bốc cháy cũng có thể sinh ra nhiều loại khí độc khác nhau.
Cụ thể, nhựa polymer sẽ sinh ra khí carbon monoxide (CO), nhựa PVC sinh ra khí Hydrogen chloride (HCl). Các loại vật liệu bằng len, vải, nylon, polyurethane, urea-formaldehyde, acrylic fibre… khi cháy sẽ sinh ra khí HCN, khí NH3 (amoniac), NO, COCl2…
Phụ thuộc vào nồng độ khí độc, không gian kín hay thoáng, các vật liệu trong đám cháy cũng như độ tuổi, thể lực mà bệnh nhân có thể ngất xỉu sớm hay muộn, thậm chí hôn mê ngay trong đám cháy.
Ngoài ngạt và ngộ độc khí, các bác sĩ cho biết, nhiều người dân do hoảng loạn, cố tìm cách thoát khỏi đám cháy bằng cách trèo, nhảy từ tầng cao. Điều này có thể gây ra chấn thương sọ não, chấn thương đốt sống cổ, khiến nạn nhân ngưng tim ngưng thở, tử vong trước khi được sơ cứu vết bỏng.
Do đó, khi nạn nhân được đưa ra khỏi đám cháy, ưu tiên cấp cứu những vấn đề ảnh hưởng đến chức năng sống trước khi sơ cứu bỏng. Khi nạn nhân có các chấn thương gãy đốt sống cổ, gãy xương, phải cố định trước khi vận chuyển.
Nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, phải tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực khẩn cấp.
Các nguyên tắc thoát hiểm, sơ cứu cần nhớ
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Tấn Trung, Giảng viên y khoa, cố vấn chuyên môn khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) chia sẻ, khi có cháy tại xí nghiệp, kho bãi, nhà cao tầng, khu nhà ổ chuột, chung cư mini…, việc cần thiết nhất với người dân là phải bình tĩnh.
Bác sĩ Trung hướng dẫn, người dân cần tìm và men theo tường, hàng lang, đi theo lối thoát hiểm, đồng thời kêu gọi, báo động cho người ở nhà bên cạnh.
Kế đến, dùng khăn, mền, quần áo tẩm nước ướt trùm lên đầu, lên mình, lên mặt và cúi khom người để tránh khói ngạt, lửa cháy (chừa vùng mắt để quan sát).
Trước khi tìm cách thoát ra, phải kiểm tra độ nóng của chốt cửa. Khi đến được ban công, cửa sổ hãy tìm cách phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp để nhiều người nhìn thấy.
Tuyệt đối không được nhảy xuống đất ở tầng cao. Thay vào đó, hãy tạo dây nối từ các vật liệu có thể để tụt xuống, hoặc dùng ván trượt (nếu có). Phải che chắn ngạt khói, lửa cho mình trước, sau đó mới đến người thân và người xung quanh.
Về sơ cứu, tiến sĩ, bác sĩ Trung chia sẻ 8 biện pháp mà người dân cần nắm để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro về sức khỏe khi xảy ra hỏa hoạn:
– Thứ nhất, cố gắng chuyển người bị ngạt, bị cháy, bỏng rời xa nơi lửa có thể bén tới.
– Thứ hai, đặt người bị nạn nơi thoáng mát, có nhiều khí thở hơn, ở phía trên gió thổi luồng khí ngạt, lửa cháy đến…
– Thứ ba, cởi hết quần áo bị cháy (trong trường hợp quần áo bó sát người không nên cố lột vì có thể lột da bỏng), tìm chăn, mền giữ ấm thân nhiệt cho nạn nhân.
– Thứ tư, tháo bỏ các tư trang cá nhân người bị nạn (như nhẫn, vòng, lắc kim loại, đá quý…) để phòng ngừa nóng gây bỏng nặng thêm, sưng nề vết thương sau bị nạn hoặc làm siết chặt, hoại tử tay chân…
– Thứ năm, cho nạn nhân uống nước mát nhằm giải cơn khát và bù nước mất do nóng nhiệt, bỏng nặng.
– Thứ sáu, gọi điện thoại cấp cứu y tế.
– Thứ bảy, nếu có sự hỗ trợ tại chỗ, có thể tưới rửa vết thương bẩn tạm thời của nạn nhân bằng nước muối sinh lý, nước sạch, dùng gạc trị bỏng y tế… để sơ cứu ban đầu. Có thể cho uống một viên thuốc giảm đau, hạ nhiệt, kháng sinh (theo chỉ định của bác sĩ…).
– Cuối cùng, chuyển người bị nạn ngay khi ra khỏi đám cháy đến cơ sở y tế gần nhất, bằng phương tiện an toàn.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức và học hỏi các kiến thức phòng cháy, chữa cháy, tham gia các buổi tập huấn kỹ năng phòng chống cháy nổ. Trong nhà nên có gắn thiết bị chứa nước, bình khí để dập tắt đám cháy khi cần thiết.
Không được trữ vật dụng dễ cháy nổ gần bếp, quanh ổ điện, tủ lạnh, các máy móc thiết bị điện, điện tử có thể cháy. Phải hết sức lưu ý khi sử dụng đèn dầu, đèn sáp, quẹt lửa, kính lúp hội tụ. Ngoài ra, hạn chế dự trữ nhiên liệu, năng lượng, chất lỏng dễ gây cháy.
Theo Dân trí