icon icon

Cuộc đua xây các tòa nhà chọc trời ở Việt Nam

Về mặt kỹ thuật, việc xây dựng những tòa nhà chọc trời theo ý tưởng đề xuất của các tập đoàn hiện nay là hoàn toàn khả thi.

Ngay sau thông tin một tập đoàn bất động sản lớn muốn làm tòa nhà 99 tầng cao nhất Việt Nam (VN) ở huyện Bình Chánh, TP.HCM thì có thêm một tập đoàn khác cũng muốn làm tòa tháp đôi 101 tầng ở TP Đà Nẵng.

Các chuyên gia quy hoạch, đô thị cho rằng khi làm nhà cao tầng, nhà chọc trời, điều quan trọng nhất là phải lưu ý đến các kết nối về mắt xích giao thông xung quanh nhà cao tầng. Đồng thời phải phù hợp chỉ tiêu quy hoạch của khu vực.

Nhiều đề xuất xây tòa nhà chọc trời

Mới đây, ngày 8-2, một tập đoàn bất động sản đã có buổi làm việc với UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM để đề xuất thực hiện dự án khu đô thị phức hợp quy mô 1.200 ha với tổng vốn đầu tư 80.000 tỉ đồng.

Trong khu đô thị này nổi bật là tòa tháp Landmark 99 tầng được kỳ vọng sẽ trở thành một công trình biểu tượng mới tại phía tây TP.HCM. Đại diện tập đoàn này bày tỏ mong muốn đây sẽ là dự án đầu tư khu phức hợp tầm cỡ, tạo hiệu ứng lan tỏa và góp phần đưa toàn bộ khu vực huyện Bình Chánh trở thành một TP thu nhỏ.

Tòa nhà Landmark 81 hiện được xem là một biểu tượng nổi tiếng của TP.HCM. Ảnh: HUY VŨ
Tòa nhà Landmark 81 hiện được xem là một biểu tượng nổi tiếng của TP.HCM. Ảnh: HUY VŨ

Trước đó, vào ngày 7-2, một tập đoàn đa ngành (bất động sản – năng lượng) khác cũng đã đề nghị TP Đà Nẵng phê duyệt thiết kế tổng mặt bằng một khu đô thị ở TP này. Đồng thời, tập đoàn này cũng đề nghị được triển khai các công trình trên đất, trong đó nổi bật nhất là tòa tháp đôi cao 101 tầng. Đây sẽ là biểu tượng phát triển của khu vực tây bắc Đà Nẵng và là tòa tháp đôi cao nhất VN.

Chỉ trong hai ngày, hai tập đoàn lớn đều đề xuất ý tưởng xây dựng những tòa nhà chọc trời, cao nhất VN vượt trên tòa nhà cao nhất VN thời điểm này là Landmark ở khu vực Tân Cảng (TP.HCM) với 81 tầng. Landmark 81 tầng được khánh thành vào năm 2018, đây là tòa nhà luôn được xuất hiện như một biểu tượng trên nhiều hình ảnh mô tả về một TP.HCM năng động, phát triển.

Lưu ý bài toán quy hoạch, giao thông

“Làm tòa nhà cao tầng nói chung và tòa nhà kiểu chọc trời nói riêng thì điều đầu tiên phải lưu ý là bài toán các kết nối xung quanh công trình đó, giao thông có đảm bảo không, phù hợp quy hoạch không” – kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho biết.

Theo ông Mười, câu chuyện các doanh nghiệp, tập đoàn đua nhau xây tòa nhà cao nhất không mới khi trên thế giới nhiều nước đã làm. Khi một TP có tòa nhà chọc trời thì nó gần như sẽ trở thành một biểu tượng về mặt nhận biết đối với khu vực đó.

Ví dụ khi nhìn về Landmark 81, người ta biết ngay đó là hướng trung tâm TP.HCM. Nếu sau này làm tòa nhà 99 tầng ở huyện Bình Chánh thì khi hướng mắt về tòa nhà đó, mọi người đều nhận ra đó là khu phía tây, huyện Bình Chánh của TP.

“Về mặt kỹ thuật xây dựng hay kết cấu thì theo tôi không là vấn đề vì nhiều nước đã làm, ở VN cũng đã làm nên vấn đề cần lưu tâm hơn là tính mỹ quan, tính kết nối giao thông, tính liên kết khu vực. Việc có nhiều nhà cao tầng mọc lên cũng cho thấy TP.HCM hay địa phương đó đang phát triển mạnh mẽ” – ông Mười phân tích.

Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của lãnh đạo huyện Bình Chánh về đề xuất đầu tư khu phức hợp có tòa nhà 99 tầng. Theo đó, lãnh đạo huyện Bình Chánh yêu cầu dự án này phải phù hợp, tạo liên kết vùng giữa huyện Bình Chánh và khu vực xung quanh, khai thác được các lợi thế về hệ thống giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, metro, đường cao tốc…).

Đồng thời, dự án phải khai thác được cụm y tế kỹ thuật cao, khu – cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, đặc biệt là ba huyện của tỉnh Long An, cũng như các khu công nghiệp của tỉnh Long An và khu công nghiệp của TP.HCM.

Lưu ý thêm, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng có nhiều nghiên cứu cho thấy nhà chọc trời chỉ nên khoảng 120-150 tầng. Các đề xuất hiện nay ở VN đều dưới 120 tầng nên không phát sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại.

“Khoảng 120-150 tầng là tốt, nếu làm cao hơn 150 tầng thì chi phí phát sinh tăng, nhiều vấn đề kỹ thuật khó giải quyết, đôi khi không hiệu quả” – ông Hùng góp ý thêm.•

Trong Quy chế quản lý kiến trúc mới của TP.HCM xác định Thủ Thiêm là khu đô thị mới, hiện đại và mở rộng của khu trung tâm hiện hữu TP.HCM. Thủ Thiêm sẽ có các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của TP, khu vực và đẳng cấp quốc tế. Thủ Thiêm cũng được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế với các tòa nhà cao tầng, thậm chí là các tòa nhà chọc trời mọc lên ở khu vực này trong tương lai. Hiện có thông tin về một dự án cao ốc 88 tầng ở khu đô thị này cũng đang được triển khai xây dựng.

Nguồn: Báo pháp luật

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan
0911.033.777
icons8-exercise-96